Màng sơn “tự nhiên” bong tróc là do đâu?
Trong một công trình nhà ở, lớp sơn phủ có vai trò rất quan trọng, bởi đây là một trong những yếu tố quyết định tính thẩm mỹ của toàn bộ ngôi nhà. Do đó, nếu công trình mới hoàn thiện mà chẳng may gặp một sự cố về lớp sơn, như hiện tượng bong tróc, thì gia chủ sẽ cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ nguyên nhân thì sự cố đáng tiếc này không “tự nhiên” mà có, và hoàn toàn có thể khắc phục dễ dàng.
Khi màng sơn bị bong tróc, gia chủ thường có xu hướng nghĩ ngay tới chất lượng sơn không đảm bảo. Tất nhiên, chúng ta không loại trừ nguyên nhân này bởi trên thị trường có rất nhiều loại sơn trôi nổi, không rõ nhãn hiệu và xuất xứ. Trên thực tế, xét riêng về hiện tượng bong tróc màng sơn, nhất là một thời gian ngắn sau thi công, các chuyên gia và nhà thầu giàu kinh nghiệm trong nghề nhận định có 3 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này là tác động của ngoại lực, độ ẩm tường và vệ sinh bề mặt:
1. Tác động của ngoại lực
Theo nguyên lý về va chạm, vật mềm sẽ bị biến dạng nhiều hơn so với vật cứng. Do đó, không thể “thử độ bền” của màng sơn bằng cách tác động ngoại lực như kẻ bằng móng tay, cọ xát bằng vật cứng, bóc bằng tay... Với những lực tác động kiểu này, bất cứ loại sơn nào dù chất lượng tốt đến đâu cũng sẽ bị bong tróc. Nhất là đối với dòng sơn cao cấp chứa nhiều nhựa Acrylic, khi khô lại tạo thành một màng sơn dẻo dai giúp bảo vệ tường tối ưu trước nhiều tác động ngoại cảnh. Nhưng khi màng sơn chưa đạt độ đanh chắc tối đa, nếu dùng tay kéo thì màng sơn sẽ bong ra cả mảng.
Màng sơn cao cấp tạo màng co giãn để bảo vệ tường và che lấp khe nứt nhỏ nhưng nếu chưa đạt độ đanh chắc tối đa có thể tróc cả mảng khi dùng tay bóc
Anh Nam Cường, một nhà thầu lâu năm tại Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, “Ngược với định kiến của nhiều người, sơn có chất lượng tốt lại chính là loại sơn có màng mà dùng tay có thể kéo ra cả mảng nếu khách hàng cố tình dùng tay kéo khi màng sơn chưa đông kết hoàn toàn. Thường màng sơn có hàm lượng nhựa (Acrylic) cao sẽ dính chắc hoàn toàn sau khoảng một năm hoàn thiện, khi đó dù có cố tình kéo thì màng sơn cũng không bong nữa. Chính tính co giãn này của màng sơn cao cấp đem lại nhiều lợi ích, dễ thấy nhất là khả năng che lấp những khe nứt nhỏ—thường xảy ra với tường nhà mới—mà loại sơn thông thường chứa nhiều bột khoáng (CaCO3) hơn nhựa (Acrylic) không thể làm được bởi ít tạo màng co giãn, khi tường có khe rạn nhỏ, màng sơn không thể che phủ mà nứt ra theo”.
Các nhà thầu sơn nhiều kinh nghiệm đều khuyên rằng khi phát hiện màng sơn có hiện tượng bong tróc do tác động vô ý của ngoại lực như bị trầy xước do cọ xát với vật dụng như bàn, ghế, tủ kệ, do khoan đục hay dán băng dính... khách hàng nên “giữ nguyên hiện trạng” sau đó xử lý dặm vá tại chính vị trí xảy ra sự cố; tuyệt đối không nên dùng tay bóc sẽ khiến cả mảng tường tróc rách. Chính điều này sẽ khiến gia chủ sẽ tốn nhiều thời gian và công sức hơn để khắc phục.
2. Độ ẩm
Một trong những “thủ phạm” phổ biến gây ra hiện tượng bong tróc, phồng rộp, nấm mốc… là độ ẩm. Những sự cố này thường xảy ra khi thi công sơn trong điều kiện tường nhà chưa đạt độ khô. Theo kinh nghiệm của các nhà thầu chuyên nghiệp, độ ẩm của tường dưới 16% theo máy đo độ ẩm Protimeter là điều kiện lý tưởng để thi công. Trong trường hợp không có máy đo độ ẩm tường, khách hàng nên chờ 21-28 ngày trong thời tiết khô ráo (nhiệt độ môi trường 30 độ C, độ ẩm không khí 80%) sau khi tô hồ.
Tường ẩm là một nguyên nhân phổ biến gây phồng rộp, tróc sơn
3. Vệ sinh bề mặt không kỹ
Bên cạnh yếu tố phồng rộp do độ ẩm cao, hơi nước đẩy lên gây phồng rộp thì một trong những nguyên nhân phổ biến khác nữa là bề mặt tường không được vệ sinh kĩ, khi sơn lên thì độ liên kết không có, bám dính kém thì cũng tự phồng rộp lên. Chất lượng bột trét sử dụng để làm phẳng bề mặt tường cũng là một yếu tố quan trọng khi chuẩn bị bề mặt. Bột trét chất lượng kém sẽ làm giảm đi độ bám dính của các lớp sơn trên bề mặt. Thậm chí, trong trường hợp bột quá mềm, độ liên kết kém sẽ dễ dẫn đến hiện tượng các hạt bột rã phấn trên bề mặt kéo theo toàn bộ các lớp sơn bong tróc theo.
Vệ sinh bề mặt không kỹ hoặc sử dụng bột trét kém chất lượng khiến bột dễ rã phấn kéo theo sự bong tróc của lớp sơn phủ
Làm gì khi phát hiện màng sơn bong tróc?
Điều quan trọng nhất là cần xác định thật rõ nguyên nhân của hiện tượng này. Về nguyên tắc, nếu độ bám dính của sản phẩm sơn có vấn đề thì toàn bộ phần tường thi công sẽ bị bong tróc, chứ không đơn thuần xuất hiện cục bộ một vài vị trí. Do đó cần xem xét tổng thể thật kỹ. Ví dụ diện tích thi công là 35m2 mà phần bong tróc chỉ có 5m2 thì phải xem lại 5m2 đó có vấn đề gì.
Nếu có tác động ngoại lực từ những vật cứng hơn màng sơn gây ra trầy xước, điều cần làm là dặm vá lại, không cầm kéo ra. Nếu nguyên nhân do độ ẩm tường thì cần đảm bảo tường đủ độ khô như khuyến cáo trước thi công. Trong trường hợp do vệ sinh bề mặt không sạch, tốt nhất dùng rulo nhúng nước lăn lên tường để lau sạch bụi. Tránh dùng chổi quét theo cách thông thường vì chỗ quét và chỗ chưa quét nhìn bằng mắt thường rất khó thấy nên sẽ khó đảm bảo vệ sinh.
Cần tuân thủ 5 nguyên tắc thi công để màng sơn luôn đẹp và bền chắc
Về cơ bản, trong thi công sơn, cần tuân thủ quy trình chặt chẽ theo trình tự 5 bước sau: (1) Đảm bảo bề mặt tường khô, sạch và được chống thấm các kẽ hở kết cấu (mép cửa sổ, mép tay vịn lan can, mặt khuất ceno, chân tường…) bằng vật liệu chuyên dụng; (2) Dùng loại bột trét tốt để làm phẳng bề mặt và thi công sơn lót giúp gia tăng độ bám dính, chống loang màu và giúp các lớp sơn phủ sau này phát huy tối đa các tính năng được thiết kế; (3) Sơn phủ lớp thứ nhất và hoàn thiện các hạng mục khác (điện, nước, mộc…); (4) Dặm vá các vị trí hư hỏng gây ra bởi các hạng mục khác nói trên và sơn hoàn thiện lớp sơn phủ thứ hai; (5) Khi tiến hành sơn, cần tuân thủ một số quy tắc như: sơn từ ngoài nhà trước rồi mới sơn dần vào trong, sơn từ trên xuống dưới, sơn khu vực khó thi công trước rồi mới sơn khu vực dễ làm sau.
Như vậy, để có được lớp sơn phủ đẹp và bền chắc cho ngôi nhà, bên cạnh việc đầu tư lựa chọn những sản phẩm sơn chất lượng, gia chủ nên tự trang bị những hiểu biết cơ bản để có thể giám sát tốt quá trình thi công hay có thể phát hiện nguyên nhân, cũng như biết cách xử lý thích hợp và hiệu quả trong trường hợp xảy ra những sự cố không mong muốn như bong tróc màng sơn.