Giờ làm việc: 7:30-17 (Thứ 2 - Thứ 7)

Cách tự pha sơn nước đúng chuẩn để sơn tường trong nhà

18/03/2022

Tự tay sơn màu cho căn nhà thân yêu luôn là mơ ước của rất nhiều người. Tuy nhiên, để có thể tự sơn được một bức tường đẹp, lên màu đúng chuẩn, không bị loang lổ hay bong tróc là một thử thách không hề dễ. Để sơn tường nhà đẹp, trước hết bạn cần phải biết cách pha sơn nước đúng chuẩn nhất. Nếu bạn chưa biết kỹ năng này thì hãy tham khảo hướng dẫn dưới đây của chúng tôi nhé!

Tại sao nên dùng sơn nước để sơn tường trong nhà

Sơn nước là loại sơn đang được sử dụng phổ biến trong nhiều công trình hiện nay. Không chỉ có tính thẩm mỹ cao, sơn nước còn hội tụ nhiều ưu điểm khiến cho đa số khách hàng khi muốn mua sơn lăn tường trong nhà thường chọn nó, ví dụ như: Dễ lau chùi, không bám bẩn, mùi nhẹ, an toàn cho con người và thân thiện với môi trường, nhất là với những loại sơn cao cấp được làm từ công nghệ nhựa.

Sơn nước có độ co giãn, đàn hồi tốt, không bị thấm nước, khó bắt lửa nên là loại sơn giúp phòng ngừa cháy nổ một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, sơn nước được đánh giá là có mức giá hợp lý, rẻ hơn nhiều so với gạch ốp tường hay giấy dán tường. Vì thế, dùng sơn nước là giải pháp giúp bạn tiết kiệm chi phí khi xây mới hay sửa chữa nhà ở.

Khi sử dụng sơn nước cho ngôi nhà hay công trình của bạn, điều không được bỏ qua đó là cách pha sơn nước đúng chuẩn. Nếu như bạn biết cách pha sơn tường với nước đúng chuẩn cũng như thực hiện đúng quy trình sơn nhà thì chắc chắn, bạn sẽ có được lớp sơn tường bóng đẹp, không bị loang lổ và có thể sử dụng lâu dài mà không bị bong tróc. Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách pha sơn nước đúng chuẩn như thế nào nhé.

Hướng dẫn cách pha sơn nước trong nhà

Pha sơn với nước là một trong những công đoạn không thể thiếu khi sơn tường trong nhà và cũng là công đoạn dễ xảy ra sai sót nhất. Khi thi công sơn nước, chúng ta thường pha thêm 5 - 10% nước sạch để khi lăn, sơn dễ lăn hơn, lớp sơn không bị dày cộm. Khi lăn thì bạn cần chú ý lăn đều tay, lớp sơn sẽ được dàn mỏng đều khắp bề mặt tường. Khi tiến hành pha sơn, bạn phải làm thật cẩn thận để không pha sơn quá đặc hoặc quá lỏng, vì nếu khi pha sơn quá đặc sẽ dẫn đến tốn chi phí và thời gian đặt mua thêm nếu như bị thiếu sơn, hay pha quá loãng sẽ ảnh hưởng đến độ phủ của sơn, sơn sẽ không phủ đều được.

Cách pha sơn nước cho tường nhà khá đơn giản, bạn chỉ cần cho một lượng nước sạch vào thùng sơn và dùng máy khuấy sơn trộn đều lên. Lưu ý là lượng nước thêm vào phải đảm bảo đồng đều cho tất cả thùng sơn với tỷ lệ cơ bản sau đây:

  • Nếu bề mặt tường có trét bộ bả Matit: Cần pha thêm nước với tỷ lệ 5 - 10% so với quy cách thùng sơn cho cả sơn lót và sơn phủ.
  • Nếu bề mặt tường được sơn trực tiếp không sử dụng bột bả: Bạn pha thêm nước với tỷ lệ 5% so với quy cách thùng sơn cho cả sơn lót và sơn phủ.

Theo các chuyên gia, khi sơn nhà, bạn nên sử dụng thêm bột bả để đảm bảo chất lượng công việc được tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý rằng, màu sơn nước có màu gốc là những màu cơ bản như xanh, vàng, đỏ, trắng... nhưng để sơn những màu lạ hơn như hồng, cam, xanh lá... thì bạn cần kết hợp nhiều màu sơn gốc với nhau. Bước này bạn không nên tự ý pha màu sơn sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng và màu sắc khi sơn lên tường.

Để có màu sơn trong nhà chuẩn nhất, hãy đến trung tâm phân phối sơn, nơi có hệ thống máy pha màu tự động, để được hỗ trợ pha màu sơn chuẩn nhất theo bảng màu. Sau đó, bạn chỉ cần pha sơn đó với nước theo hướng dẫn trên thì sẽ đảm bảo được nước sơn lên đẹp và bóng mịn.

Quy trình sơn trong nhà

Quy trình sơn nhà cũng không quá rắc rối như nhiều người nghĩ, chủ yếu gồm 3 bước dưới đây:

Bước 1: Vệ sinh bề mặt tường

Vệ sinh mặt tường là một khâu khá quan trọng trong quá trình thi công sơn nhà, ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng lớp sơn. Bạn muốn lớp sơn càng bền, đẹp bao nhiêu thì việc xử lý bề mặt tường càng phải làm tốt và kỹ lưỡng bấy nhiêu.

Đầu tiên bạn cần cạo bỏ sạch lớp sơn cũ trên tường nhà, vệ sinh kỹ các mảng nấm, mốc, ố (nếu có) sau đó đánh thật kỹ mặt tường bằng giấy ráp hoặc đá mài để giúp bề mặt phẳng mịn, không bị lồi lõm. Tiếp theo, bạn tiến hành xử lý những khe hở hay bị nứt, nếu có thì bạn cần dùng xi măng chắp vá lại ngay. Nếu không, bạn có thể chuyển sang việc trét bột bả và lăn sơn lót cho tường nhà.

Lưu ý: Luôn đeo khẩu trang trong quá trình vệ sinh bề mặt tường để chống bụi.

Bước 2: Trét bột bả và sơn lót

Công dụng của bột bả và sơn lót là gì? Bột bả Matit dùng để làm phẳng bề mặt sơn, tăng khả năng chịu mài mòn, va đập, có độ bám dính cao, tạo thành một lớp bề mặt nền vững chắc, không ngấm nước giúp chống ẩm cho tường, qua đó làm bề mặt sơn bền đẹp, không bị ẩm mốc. Còn lớp sơn lót sẽ đóng vai trò che phủ cho lớp bột bả và làm lớp sơn chuyển tiếp với sơn phủ, tạo nên một "lớp áo lót" cho bức tường, nó có khả năng chống ẩm mốc, kháng kiềm một cách tốt nhất. Đồng thời, theo kinh nghiệm của nhiều thợ sơn nhà, lớp sơn lót chống kiềm còn làm tăng độ bám dính, độ bền màu cho lớp sơn hoàn thiện. Chính vì vậy, nếu muốn có lớp sơn đẹp thì bạn không nên bỏ qua những công đoạn này.

Bước 3: Tiến hành lăn sơn

Khi tường nhà đã được chuẩn bị một cách hoàn hảo, sẵn sàng cho việc sơn phủ, bạn sử dụng con lăn hoặc chổi quét để lăn sơn, nếu sơn các vị trí cao thì bạn có thể tạo thêm cán cho con lăn. Đối với tường thẳng, đẩy con lăn nhẹ nhàng từ thấp lên cao, lượt đi lượt lại nhiều lần để các lớp sơn xen phủ lên nhau và tránh bị giọt sơn đọng lại trên tường. Bạn nên lăn một cách cẩn thận, đều tay, tránh chỗ dày, chỗ mỏng gây ảnh hưởng tới thẩm mỹ.

Lưu ý: Khoảng thời gian giãn cách giữa các lượt sơn thường từ 30 phút đến 2 - 3 giờ, tùy thuộc vào thời tiết hay nhiệt độ trong quá trình sơn.

Lưu ý khi dùng sơn nước sơn nhà

Nhìn chung, sơn tường nhà bằng sơn nước không quá khó, bạn hoàn toàn có thể tự thực hiện nhưng vẫn cần phải lưu ý những vấn đề sau:

  • Nếu tường đã bị ngấm nước thì bạn buộc phải làm chống thấm trước khi trét bột bả và sơn màu. Sau khi làm chống thấm, nên để khô 3 - 4 ngày rồi mới bả Matit và phủ sơn nước để tránh hiện tượng ngấm ngược.
  • Bề mặt tường phải khô từ 21 - 25 ngày trong điều kiện nhiệt độ bình thường, nhìn bằng mắt thường có độ khô cùng màu trắng của lớp vữa trát thì việc dùng Matit hoặc sơn lót sẽ cho chất lượng tốt hơn rất nhiều.

  • Hoàn thiện Matit phẳng xong, phải lau bằng khăn ẩm hoặc làm sạch bụi phấn Matit rồi mới lăn sơn lót và sơn nước (đặc biệt đối với sơn bóng), làm như vậy thì nước sơn sẽ bám chặt và có độ bền cao hơn.
  • Nếu dùng sơn nước bóng, bạn bắt buộc phải sử dụng Matit và sơn lót để đảm bảo bề mặt mịn màng, bám dính tốt. Không nên dùng sơn bóng cho tầng hầm, vì ở đó có nhiều hơi nước, màng sơn dễ bị phồng rộp. Ở khu vực này có thể dùng sơn bán bóng hoặc sơn mịn vì hơi nước có thể thoát ra, tránh được hiện tượng phồng rộp
  • Những bề mặt tường bị bong rộp đã được sửa nhiều lần, thậm chí sử dụng loại sơn chịu áp lực ngược nhưng vẫn không hiệu quả thì bắt buộc phải cạo bỏ lớp vữa xi măng và trát lại trước khi sử dụng sơn nước.
  • Pha sơn với nước đúng theo tỷ lệ, tuyệt đối không được thêm nước vượt quá mức quy định vì như vậy sẽ không đảm bảo chất lượng màng sơn.
  • Không sơn phủ lúc thời tiết ẩm ướt hoặc quá nắng, bề mặt vật liệu thi công có nhiệt độ cao, vì như vậy màng sơn dễ bị bong rộp.
  • Nên sơn hai lớp trở lên để màu sơn nước lên rõ ràng và bền màu hơn.

  • Phải đặt thùng sơn ở vị trí an toàn, đậy nắp khi không sử dụng và để xa tầm tay trẻ em.
  • Thi công trong môi trường thông thoáng, hạn chế hít bụi sơn, phải đeo khẩu trang, kính bảo hộ mắt thích hợp khi chà nhám và khi sơn.
  • Xử lý sơn thải, thừa theo đúng tiêu chuẩn môi trường, không đổ sơn thừa bừa bãi ra ao, hồ, sông suối... gây ô nhiễm. 

Như vậy, chúng tôi đã hướng dẫn cho bạn đọc cách pha sơn nước đúng chuẩn, những lưu ý khi dùng sơn nước cũng như chia sẻ quy trình sơn tường cơ bản nhất cho bạn. Hy vọng rằng, với hướng dẫn của chúng tôi, bạn sẽ thành công trong việc khoác lớp áo mới cho căn nhà của mình.