Bỏ qua sơn lót, tưởng tiết kiệm lại hóa tốn kém
Bỏ qua sơn lót thường không gây ra hậu quả ngay lập tức nhưng về lâu dài sẽ làm giảm độ bền và thẩm mỹ của lớp sơn phủ. Bên cạnh đó, nếu không có sơn lót thì lượng sơn phủ thường phải tăng lên thêm 40% mà hiệu quả vẫn không như mong muốn.
Trong thi công sơn, mặc dù không thấy được lớp sơn lót sau khi công trình hoàn thiện nhưng thực chất đây lại là lớp sơn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình. Anh Quang Toàn, chủ một đại lý sơn tại Hà Nội cho biết: Nắng, mưa, rêu mốc… là những tác nhân lên màng sơn mà bất cứ người bình thường nào cũng có thể dễ dàng nhận thấy. Tuy nhiên, màng sơn sau khi thi công lên tường còn phải chịu thêm một tác nhân khác từ bên trong, đó là chất kiềm luôn có trong hồ vữa. Chất kiềm này kết hợp với hơi ẩm của tường sẽ gây ra phản ứng ăn mòn rất mạnh khiến màng sơn bị bong tróc, biến màu, loang lổ… Chính vì vậy trong thi công sơn, bất cứ sơn nào cũng đều phải sử dụng sơn lót để chống kiềm và tăng cường khả năng chống thấm.
Hiện tượng loang màu gây ra bởi tác động của chất kiềm bên trong tường
Ngoài tác dụng chống kiềm và chống thấm, sơn lót còn mang nhiều trọng trách như giúp tạo độ bám dính, tạ bề mặt đồng nhất, tăng độ mịn màng và giúp sơn phủ lên màu chuẩn xác
Xét về tính kinh tế, một nhà thầu sơn chuyên nghiệp phân tích: Lớp sơn lót sẽ triệt tiêu độ hút sơn của tường nên khi không có lớp sơn lót thì lượng sơn phủ bạn phải sử dụng sẽ tăng lên khoảng 40%, dẫn đến hiện tượng sau khi hoàn thiện tường đậm màu hơn so với bức tường có dùng sơn lót. Trong khi đó giá thành sơn lót bao giờ cũng rẻ hơn sơn phủ nên bỏ qua sơn lót không hề tiết kiệm như nhiều người vẫn tưởng mà chất lượng công trình lại giảm đi đáng kể.
“Thay vì phải dùng bốn lớp sơn phủ thì nên dùng một lớp sơn lót cộng với hai lớp sơn phủ, chi phí vừa rẻ hơn mà độ bền, đẹp, thẩm mỹ cũng cao hơn” – chuyên gia này đưa ra lời khuyên.
Chọn đúng loại sơn lót và tuân thủ kĩ thuật thi công
Với mỗi loại sơn lại có một loại sơn lót đi kèm nên bạn cần nghiên cứu kỹ để chọn đúng loại thích hợp. Ngoài ra, cũng không nên dùng sơn phủ trắng bình thường để thay cho sơn lót vì lớp sơn này không có các tính năng của sơn lót như khả năng chống thấm, chống kiềm, tạo độ bám dính cao và tạo sự nhẵn mịn cho bề mặt.
Về kỹ thuật thi công, nhiều nhà thầu cũng luôn nhấn mạnh, dù lựa chọn sản phẩm gì đi chăng nữa, trước khi sơn, bề mặt tường cần được đảm bảo hai yếu tố: sạch và khô. Bề mặt sạch là bề mặt không còn bụi bẩn, dầu mỡ, rong rêu, bụi phấn... hay bất kỳ yếu tố nào làm giảm độ bám dính của màng sơn. Độ ẩm tường cần đạt dưới 16% khi đo bằng máy đo độ ẩm Protimeter mới phù hợp để thi công. Trường hợp không có máy đo, nên chờ tường khô từ 3 - 4 tuần kể từ sau khi tô hồ trong điều kiện thời tiết khô ráo.